Hiện nay, với bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin, phương pháp phổ biến nhất và được coi là tương đối hiệu quả là tiêm insulin nhiều mũi (thường từ 1 - 4 mũi).
So với các thập niên trước đây, sự phát triển về các loại insulin này cũng đã mang lại một số hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết phụ thuộc insulin. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc insulin (tuýp 1, tuýp 2), sự phiền phức cũng như nhược điểm của tiêm nhiều mũi này càng được nhận rõ. Trước hết, có thể kể đến là tỉ lệ hạ đường huyết gặp nhiều ở Bệnh nhân tiêm insulin, nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê. Ngoài ra, việc loạn dưỡng mô mỡ tại vị trí tiêm dẫn đến ngày càng phải tăng liều insulin cũng là một biến chứng thường gặp, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Không những thế, tiêm nhiều mũi insuilin gây khá nhiều phiền phức, đau đớn cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân có chế độ sinh hoạt không ổn định (đi học, đi làm vv...) hoặc không thể tiêm đúng cách.
Cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, bơm insulin liên tục có thể coi là bươc đột phá trong kiểm soát đường huyết ở Bệnh nhân đái tháo đường. Theo 1 nghiên cứu trên 10.000 bệnh nhân tiểu đường tiêm insulin bằng bút và bơm insulin tại Thụy Sĩ, tỉ lệ biến chứng không xuất hiện hoặc không nặng hơn ở nhóm bệnh nhân sử dụng bơm tiêm liên tục so với nhóm dùng bút. Giá trị HbA1c cũng <7%, giảm được 90% cơn hạ đường huyết. Bên cạnh về hiệu quả trong kiểm soát đường huyết, sự tiện lợi cũng được coi là một ưu thế của bơm insulin khi người sử dụng cần thay mũi tiêm sau 3 - 5 ngày, vị trí bơm chính xác, bolus linh hoạt theo bữa ăn. Tuy nhiên, để phát huy được tối ưu hiệu quả của bơm, bệnh nhân phải trải qua quá trình học cách sử dụng kéo dài ít nhất 02 tuần.
Xem thêm: Máy đo đường huyết liên tục
Hiện nay ở Pháp có khoảng 7.000 bệnh nhân tiểu đường sử dụng bơm tiêm tự động do cơ quan bảo hiểm trả tiền; còn ở Đức có 30.000 bệnh nhân sử dụng phương tiện này.
Bơm tiêm tự động chứa insulin có kích cỡ chỉ bằng chiếc điện thoại di động, một đầu gắn liền với đường ống nhỏ, đầu kia gắn một cây kim cắm vào da bụng và được cố định chặt bởi một hệ thống băng kín. Bơm insulin tự động cho phép kiểm soát và cân bằng đường máu, giảm nguy cơ tăng - hạ đường huyết hay sự đau đớn do biến chứng (ở thận, mắt, thần kinh ngoại biên...). Nó cũng giúp người bệnh tránh được các mũi tiêm liên tiếp, trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân do không phải thức dậy lúc 4h sáng để tiêm insulin như thường lệ, vì đúng giờ đã cài đặt, thuốc sẽ được tự động bơm vào cơ thể. Bệnh nhân chỉ cần lên chương trình về liều lượng cũng như thời gian tiêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ và làm đầy lại insulin khi hết, sau đó không cần để ý đến nó nữa.
Theo giáo sư Broutin, Trưởng bộ môn Nội tiết ở Bệnh viện Toulouse (Pháp): “Bơm tiêm tự động rất cần thiết cho những bệnh nhân tiểu đường type 1 gặp khó khăn trong kiểm soát đường máu. Nó cũng được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường type 2 khi thuốc không đủ kiểm soát”. Để biết cách sử dụng bơm tiêm tự động này, bệnh nhân cần nằm viện vài ngày. Họ sẽ được hướng dẫn cách lên chương trình, sử dụng bơm và làm đầy lại insulin. Khi đã quen, bệnh nhân sẽ chỉ mất 5-10 phút để hoàn tất công việc. Người dùng bơm tiêm insulin tự động cũng có một số bất tiện như phải đeo dụng cụ trên người 24/24h, suốt 7 ngày trong tuần, hoặc chịu một số trục trặc do máy gây ra.
Ở Việt Nam, hiện nay Bơm Insulin đã được Bộ Y tế cấp phép chính thức sử dụng và đã được Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh Viện Nhi Trung Ướng áp dụng điều trị, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng. Kết quả ban đầu khá khả quan, đặc biệt với những ca kiểm soát đường huyết khó (HbA1c cao, hay hạ đường huyết...)